Lịch sử phát triển viện

Sở Hải dương học nghề cá Đông dương (Service océanographique des pêches de l’Indochine) được thành lập vào ngày 14/9/1922, nâng cấp lần thứ nhất thành Viện Hải dương học Đông dương (Institut océanographique de l’Indochine) vào năm 1930, với mục tiêu là “Khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá ở biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratly) và biển Hồ ở Campuchia để xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương. Đồng thời triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến và nuôi trồng hải sản”. Chính vì mục tiêu có tính chiến lược đó nên Viện đã đuợc xây dựng tại Nha Trang, địa điểm lý tưởng để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và khai thác Biển Đông.

Tàu De Lanessan
Tàu De Lanessan

Ngay sau khi thành lập, trước năm 1930, với sự tham gia của tàu De Lanessan, Viện Hải dương học đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và thu thập thông tin xuống phía nam (Vịnh Thái Lan, 1925), lên phía bắc (Vịnh Bắc Bộ, 1925), ra các vùng khơi xa xôi (Quần đảo Hoàng Sa, 1926 và Quần đảo Trường Sa, 1927) và thực hiện khảo sát có hệ thống và định kỳ trên 572 trạm, đặc biệt là 2 trạm cố định ở Cầu Đá (Nha Trang) và ở quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1952, Viện Hải dương học Đông Dương đổi tên thành Hải học viện Nha Trang(L’Institut Océanographique de Nha Trang), khi có quyết định của Chính phủ Pháp bàn giao cho Chính quyền miền Nam đương thời (1954).

Thời gian này, đất nước chưa thống nhất, việc nghiên cứu biển mang tính chất khu vực. Viện Hải dương học Nha Trang hoạt động khó khăn trong điều kiện có chiến tranh nên chú trọng đào tạo cán bộ nghiên cứu biển có trình độ trên đại học và đại học cộng đồng, tổ chức những chuyến khảo sát biển ven bờ, các cù lao gần và tập trung vào cộng tác xác định mẫu vật sắp xếp theo bộ môn, báo cáo các khảo sát ứng dụng.

Tham gia khảo cứu vịnh Thái Lan và miền Nam Việt Nam với Viện Hải dương học Scripps (Scripps Institution of Oceanography), California, Hoa Kỳ trên tàu Stranger trong chương trình NAGA (1959-1960) và tham gia chương trình CSK (Co-operative Study of Kuroshio) (1965-1977) nghiên cứu ảnh hưởng của dòng Kuroshio.

Trong giai đoạn này, tại miền Bắc, để khảo sát khu vực biển vịnh Bắc Bộ, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà quyết định thành lập các tổ chức nghiên cứu biển:

  • 1959: thành lập Đoàn Khảo sát Biển vịnh Bắc Bộ
  • 1961: thành lập Trạm Nghiên cứu Biển Hải Phòng
  • 1967: thành lập Viện Nghiên Cứu Biển Hải Phòng đặt trụ sở tại 246, đường Đà Nẵng, tp. Hải Phòng

   Như vậy, trong giai đoạn 1952-1975 có 02 cơ sở nghiên cứu hải dương học là Hải học viện Nha Trang (đổi tên từ Viện Hải dương học Đông Dương năm 1952) và Viện Nghiên cứu biển tại Hải Phòng (thành lập năm 1967 tiền thân là Đoàn khảo sát biển vịnh Bắc Bộ).

   Sau khi Việt Nam thống nhất, Hải học viện Nha Trang, Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng được sát nhập thành một Viện thống nhất lấy tên là Viện Nghiên cứu biển Nha Trang, trực thuộc Viên Khoa học Việt Nam, nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

   Đến năm 1993, Viện Hải dương học (Institute of Oceanography) bao gồm tất cả các cơ quan nghiên cứu biển trên toàn quốc, Viện được tổ chức thành một viện chính ở Nha Trang và hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội.

Năm 2001, hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội được nâng cấp thành Viện Địa chất và Địa vật lý biển (Hà Nội) và Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Hải Phòng). Cả 3 viện đều trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu trong suốt lịch sử phát triển của Viện đã cung cấp những dẫn liệu khoa học cơ bản về điều kiện tự nhiên, các quá trình hải dương học, các hệ sinh thái, hiện trạng môi trường, khu hệ sinh vật, nguồn lợi ở Biển Đông.Trong đó, các kết quả nghiên cứu, nhận định về hệ thống hoàn lưu biển trong mối quan hệ với chế độ gió mùa; đặc trưng động lực, địa hình đáy biển, địa chất thềm lục địa; địa mạo và địa chất các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; quá trình xói lở bồi tụ, các tai biến thiên nhiên; đặc trưng các hệ sinh thái, sinh học – sinh thái nguồn lợi rất có giá trị về mặt lý luận khoa học và ứng dụng trong thực tiễn khai thác tài nguyên và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Dòng thời gian

14/09/2022

1922 – Sở Hải dương học nghề cá Đông dương

Nghị định thành lập Sở Hải dương học Nghề cá Đông Dương (tên tiếng Pháp là Service Océanographique des Pêches de L’Indochine) do Toàn quyền Đông Dương – Ngài François Marius Baudoin ký ngày 14 tháng 9 năm 1922

Giám đốc : Tiến sĩ Armand Krempf, nhà nghiên cứu sinh học.

14/09/2022

1929 - 1952

1929 – VIỆN HẢI DƯƠNG HỌC ĐÔNG DƯƠNG

Viện Hải Dương Học Đông Dương (L’Institut Océanographique de l’Indochine) được thành lập theo sắc lệnh của ngài Gaston Doumergue, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp ký vào ngày 01/12/1929

Giám đốc:

  •  Tiến sĩ Armand Krempf (thời gian từ 1930-1933).
  •  Tiến sĩ Pierre Chevey (thời gian từ 1933-1942).
  •  Tiến sĩ Jean Durand nhà nghiên cứu ngư học.
  • Ông Ménes Quan Năm, thuyền trưởng tàu De Lanessan (thời gian 1942-1944).
  •  Tiến sĩ Drach (thời gian từ 1946-1949).
  •  Tiến sĩ Raoul Sérène, xử lý thường vụ Giám đốc (thời gian từ 1946-1949). Giám đốc (1949-1954).
1929 - 1952

1952 - 1975

1952 – Hải học viện Nha Trang

Viện Hải Dương Học Đông Dương được chuyển giao cho Việt Nam trong khuôn khổ chung của chuyển giao nền độc lập và đổi tên thành Hải Học viện Nha Trang, hay còn gọi là Viện Hải dương học Nha Trang.

Giám đốc:

Bác sĩ Ngô Bá Thành (1956-1957) chuyên gia thú y.
Ô. Nguyễn Đình Hưng (1957-1958) giảng nghiệm trưởng.
Tiến sĩ Phạm Hoàng Hộ (1959-1960) giáo sư thực vật học.
Tiến sĩ Nguyễn Chung Tú (1960-1962) giáo sư vật lý học.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Cẩn (1962-1963) giáo sư địa chất.
Tiến sĩ Nguyễn Hải (1963-1966) giáo sư địa vật lý.
Tiến sĩ Trần Ngọc Lợi (1967-1975) giáo sư sinh thái học, kiêm nhiệm Viện trưởng Đại học cộng đồng Duyên Hải.

1952 - 1975

1967 - 1975

1967 – thành lập Viện Nghiên Cứu Biển Hải Phòng

Nghiên cứu khảo sát điều kiện tự nhiên, nguồn lợi cá và các sinh vật khác nhằm phục vụ phát triển kinh tế và quốc phòng.

Viện trưởng :

Ông Nguyễn Khương, nguyên đại úy Hải quân, trưởng phòng khảo sát đo đạc hàng hải thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam.

1967 - 1975

1975 -1992

1975 – Viện Nghiên cứu biển

Sát nhập Hải học viện Nha Trang và Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng thành Viện Nghiên cứu biển.

Viện trưởng :

  • Ô. Nguyễn Khương (thời gian từ 1975-1976).
  • Tiến sĩ KH Lê Trọng Phấn (thời gian từ 1977-1988) Phó giáo sư sinh học biển.
  • Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phụng (thời gian từ 1988-1992) Phó giáo sư sinh học biển.
  • Tiến sĩ Võ Văn Lành (thời gian từ 1992-1997) Phó giáo sư vật lý biển.
1975 -1992

1993

1993 – VIỆN HẢI DƯƠNG HỌC

Viện Hải dương học được thành lập theo quyết định số 23/KHCNQG-QĐ ngày 19/6/1993 của Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện Hải dương học.

Viện trưởng:

  • Ông Nguyễn Tác An (1997 – 2006), PGS. TSKH. Sinh thái môi trường biển
  • Ông Bùi Hồng Long (2007 – 2014), PGS. TS. Vật lý biển
  • Ông Võ Sĩ Tuấn (2014 – 2019), PGS. TS. Thủy sinh vật học
  • Bà Đào Việt Hà (2019 – nay), PGS. TS. Khoa học thủy sinh
1993