Một nhà khoa học Việt Nam tham gia chuyến khảo sát khoa học đến Nam Cực.

Tên dự án “Ảnh hưởng của các quá trình có kích thước trung bình đến nguồn cung cấp sắt (Fe) và động học thực vật phù du ở biển Ross, Nam cực” (Impact of Mesoscale Processes on Iron Supply and Phytoplankton Dynamics in the Ross Sea).

   Chuyến khảo sát khoa học sử dụng những thiết bị tiên tiến để thực hiện nghiên cứu tổng hợp về vật lý hải dương, hóa học hải dương và sinh học hải dương. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu về tương tác giữa các quá trình hải dương học, nguồn thải Fe, sinh học thực vật phù du, chu trình các-bon và các yếu tố nhạy cảm với biến đổi khí hậu và mô hình hóa chúng bằng mô hình toán học được tiến hành ở Nam cực. Nghiên cứu này ngoài việc cung cấp những thông tin khoa học có giá trị về hải dương học, sinh học và sinh thái vùng cực sẽ cho phép nâng cao khả năng đánh giá và dự đoán biến đổi môi trường Nam Cực liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu.

   Tàu nghiên cứu sử dụng trong chuyến khảo sát là tàu phá băng Nathaniel B. Palmer, được đặt tên theo nhà thám hiểm người Mỹ, người đầu tiên khám phá Nam Cực, thuyền trưởng Nathaniel Brown Palmer (1799 –1877). Tàu N.B. Palmer dài 94 m có thể hoạt động ở Nam Cực quanh năm do khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt nhất hành tinh. Tàu có khả năng làm việc liên tục trên biển trong 75 ngày với 37 nhà khoa học và 22 thủy thủ đoàn.

Tàu phá băng Nathaniel B. Palmer (http://www.nsf.gov/od/opp/support/nathpalm.jsp)

LOGO của chuyến khảo sát

Hành trình dự kiến:

  • Khởi hành từ Punta Arenas (Chi-Lê) ngày 24/12/2011
  • Đến trạm nghiên cứu Nam Cực McMurdo vào khoảng ngày 8/1/2012
  • Khảo sát Ross Sea (Nam Cực) trong thời gian từ 8/1-10/2/2012
  • Rời Nam Cực đến New Zealand vào ngày 13/2/2012

Bên cạnh đó ảnh hưởng rộng lớn hơn mà dự án nhắm tới dựa trên 3 tiêu chí:

  1. Đạt được những kiến thức và khám phá tiên tiến đồng thời với việc nâng cao công tác giảng dạy, học tập và huấn luyện từ bậc trung học đến sau đại học,
  2. Tăng cường giáo dục và thiết bị nghiên cứu tiên tiến,
  3. Phổ cập kiến thức khoa học và công nghệ qua nhiều hình thức khác nhau.

   Tham gia chuyến khảo sát có 27 nhà khoa học từ 5 viện nghiên cứu của Mỹ, Canada, Anh và Việt Nam. Các viện nghiên cứu ở Mỹ chủ trì chuyến khảo sát gồm: Viện Hải Dương học Wood Hole (WHOI), Viện Khoa học Biển Virginia (VIMS), Đại học Old Dominion (ODU); ở Anh là Đại học Southampton (SOTON), ở Canada là Cơ quan Nghề cá và Hải dương học Canada (DFO), và từ Việt Nam là Viện Hải dương học (IO), Tiến sĩ Đoàn Như Hải.

   Về những nhà khoa học Việt Nam tham gia khảo sát ở Nam Cực, năm 1994, anh Nguyễn Trọng Hiền một nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Việt ( NASA ) đã cắm cờ Việt Nam tại Nam Cực. TS Doãn Đình Lâm, Viện Địa chất – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đả tham gia khảo sát Nam cực theo lời mời của Viện nghiên cứu Hàn Quốc từ ngày 11/1/2010 đến 18/2/2010. Đoàn đã tiến hành khảo sát và thu thập mẫu vật tại bán đảo Barton và Weaver thuộc đảo King George, cực Bắc Nam Cực. Trên đảo King George (Vĩ tuyến 620S) có 44 trạm nghiên cứu của 18 nước trên thế giới.

   Như vậy, chuyến khảo sát mà TS Đoàn Như Hải tham gia là chuyến khảo sát Hải dương học có hệ thống và có ý nghĩa khoa học cao.